THỦ TỤC HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TẠI ĐỊA PHƯƠNG
Trong cuộc sống hằng ngày, đất đai không chỉ là tài sản quý mà còn là nơi gắn bó với gia đình, là nguồn sống của nhiều người dân. Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác nhau như ranh giới chưa rõ ràng, giấy tờ chưa đầy đủ, hay việc thừa kế, chuyển nhượng… mà không ít trường hợp xảy ra tranh chấp về đất đai giữa các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Khi có tranh chấp xảy ra, thay vì đưa ra tòa án ngay lập tức, nhiều người lựa chọn cách hòa giải tại địa phương để giữ gìn tình cảm làng xóm, tiết kiệm thời gian, chi phí và hạn chế mâu thuẫn. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở chính là một bước quan trọng giúp các bên cùng ngồi lại, lắng nghe và tìm tiếng nói chung.
Việc hiểu rõ quy trình hòa giải, cũng như quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia sẽ giúp người dân xử lý tranh chấp một cách hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật và giữ được sự đoàn kết trong cộng đồng.
Đối với tranh chấp đất đai xem ai là người có quyền đối với quyền sử dụng đất thì hòa giải tại địa phương là một thủ tục bắt buộc, buộc các bên phải thực hiện trước khi khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.
Nếu các bên chưa thực hiện thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất mà đã nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án thì Thẩm phán có quyền trả lại đơn khởi kiện vì chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 192 Bộ Luật Tố Tụng dân sự năm 2015 được hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP: “Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án. Đối với những trường hợp này thì nhà nước chỉ khuyến khích hòa giải tại địa phương chứ không bắt buộc.
Theo Khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai năm 2024 quy định:
“Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp được thực hiện như sau:
- a) Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai;
- b) Thành phần Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là Chủ tịch Hội đồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, công chức làm công tác địa chính, người sinh sống lâu năm biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất tranh chấp (nếu có). Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện tổ chức, cá nhân khác tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
- c) Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai;
- d) Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên tham gia hòa giải và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp”.
đ) Trường hợp hòa giải không thành mà một hoặc các bên tranh chấp không ký vào biên bản thì Chủ tịch Hội đồng, các thành viên tham gia hòa giải phải ký vào biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi cho các bên tranh chấp.
Căn cứ theo Điều 105 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về hòa giải tranh chấp đất đai như sau:
- Khi nhận được đơn yêu cầu hoà giải tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
- a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản cho các bên tranh chấp đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai, trường hợp không thụ lý thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do;
- b) Thẩm tra, xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
- c) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải quy định tại điểm b khoản 2 Điều 235 Luật Đất đai. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời người đại diện cộng đồng dân cư quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Đất đai; người có uy tín trong dòng họ ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ, việc, công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã; đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã; cá nhân, tổ chức khác có liên quan tham gia Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai;
- d) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
- Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm các nội dung: thời gian, địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp theo kết quả xác minh; ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.
Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp, trường hợp biên bản gồm nhiều trang thì phải ký vào từng trang biên bản, đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã và gửi ngay cho các bên tranh chấp, đồng thời lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét, giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
- Trường hợp hòa giải không thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.”
Tuy nhiên, trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai nói trên chỉ yêu cầu áp dụng đối với các địa bàn có thành lập đơn vị hành chính cấp xã. Còn đối với địa bàn không thành lập đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì không thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định tại Điều 236 của Luật Đất đai năm 2024.
Có thể thấy, hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương không chỉ là bước đi đầu tiên trong việc giải quyết ổn định, giữ gìn các mối quan hệ góp phần ổn định trật tự xã hội. Tuy nhiên, không ai cũng phải biết quy trình pháp lý, cũng như biết cách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình một cách đúng đắn.
Trong những trường hợp hỗ trợ giải quyết khó khăn, các bên không thể tìm thấy tiếng nói chung, hoặc vấn đề giải pháp phức tạp, việc tìm kiếm sự hỗ trợ của luật sư là lựa chọn cần thiết và đúng đắn. Luật Hồng Chuyên đội ngũ Luật sư trên 20 năm kinh nghiệm về lĩnh vực đất đai , chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng trong từng bước giải quyết tranh chấp – từ tư vấn, tham gia hòa giải đến đại diện làm việc với cơ quan chức năng.
Hãy để Luật Hồng Chuyên giúp bạn bảo vệ quyền lợi hợp pháp một cách hiệu quả, nhanh chóng và bền vững . Đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi khi bạn cần!
CÔNG TY LUẬT TNHH HỒNG CHUYÊN VÀ CỘNG SỰ
Trụ sở chính: 5A Ngách 41 Ngõ 172 Phố Đại Từ, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.
Văn phòng giao dịch: Tầng 6, Ô32-V5A Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông, Tp. Hà Nội.
Hotline: 0975.626.616 hoặc 0973.555.962
Email: congtyluathongchuyen@gmail.com
Web: luathongchuyen.com